Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Các vấn đề tim, phổi và lựa chọn ICU

“Chúng tôi thấy rằng ICU không phải lúc nào cũng là lựa chọn. Hiện tại, chúng ta cần giúp các bác sĩ quyết định xem những bệnh nhân nào cần ICU và những người nào thì không”, tác giả chính của nghiên cứu tiến sĩ Thomas Valley thuộc Trường Y Đại học Michigan cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét 1,5 triệu hồ sơ Medicare để kiểm tra kết quả của những bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đau tim và suy tim tiến triển xấu. Nhiều bệnh nhân được chuyển tới đơn vị ICU.

Các vấn đề tim, phổi và lựa chọn ICU

Các tác giả nghiên cứu cho biết, không có sự khác biệt về tỉ lệ tử vong trong 30 ngày giữa bệnh nhân tại ICU và bệnh nhân được chăm sóc nội trú thông thường. Trong khi đó, so với chi phí điều trị thông thường, chi phí ICU nhiều hơn gần 5.000 đôla đối với bệnh nhân bị suy tim tiến triển xấu và 2.600 đôla đối với bệnh nhân đau tim. Không có sự khác biệt về chi phí giữa bệnh nhân COPD tại ICU và bệnh nhân COPD được chăm sóc thông thường. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy, bệnh nhân ICU dễ phải trải qua các thủ thuật xâm lấn và bị phơi nhiễm với các nhiễm trùng nguy hiểm.

“Các kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng, có một lượng lớn bệnh nhân mà các bác sĩ có thể gặp khó khăn để quyết định xem liệu ICU có mang lại lợi ích cho họ hay không”, tiến sĩ Valley cho biết. Ông cũng nhấn mạnh rằng, các kết quả này không áp dụng cho những bệnh nhân rõ ràng cần tới chăm sóc tích cực, ví dụ những người không thể tự thở.

Nghiên cứu được đăng ngày 17/2 trên tờ Annals of the American Thoracic Society.

BS P.Liên

(Theo HealthDay)

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Thuốc chống muỗi chứa DEET có an toàn?

Xin hỏi quý báo, thuốc chống muỗi có chứa DEET có an toàn với con tôi không?

Phạm Lan Anh (Thái Bình)

Muỗi đốt không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn là nguồn truyền nhiễm một số bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét… Do đó, việc sử dụng thuốc chống muỗi rất cần thiết cho trẻ khi tham gia các hoạt động dã ngoại hay tham quan.

Trên thị trường hiện nay có 2 loại thuốc chống muỗi bao gồm thuốc có thành phần tự nhiên và thành phần hóa học. Trong đó, các sản phẩm chứa thành phần hóa học chủ yếu là hoạt chất DEET (viết tắt của diethyltolumide) với hàm lượng dao động từ 4-30% (tùy lứa tuổi mà chọn dùng nồng độ thích hợp). Tuy nhiên, với trẻ dưới 2 tuổi, không nên dùng sản phẩm chứa hoạt chất này và trẻ dưới 12 tuổi như con của chị chỉ nên dùng loại có hàm lượng DEET dưới 10%. Không nên dùng loại có nồng độ cao hơn 10% cho trẻ vì có thể gây hại.

Các sản phẩm chống muỗi chứa DEET thường an toàn với trẻ, vì vậy, bạn nên chọn đúng nồng độ cho lứa tuổi con của mình, tìm mua sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, tránh dùng những sản phẩm không rõ thành phần hoạt chất (hoặc không đọc được các thông tin về hoạt chất).

Khi dùng, không nên để trẻ tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Chị nên cho thuốc ra tay mình trước, rồi mới xoa nhẹ nhàng lên da, tránh phần da tay (phòng trẻ đưa tay lên dụi mắt hoặc cho vào miệng ngậm). Chỉ xoa thuốc ở những vùng da bị phơi nhiễm, không dùng lên vùng da trầy xước hay có vết thương hở. Nếu muốn dùng thuốc cho quần áo, nên xịt thuốc khi không có trẻ và trước khi trẻ mặc chừng 30 phút.

Trẻ được dùng thuốc chống muỗi khi về phải tắm rửa cho trẻ sạch sẽ và giặt giũ quần áo kỹ càng để loại bỏ hóa chất có hại. Mặc dù việc dùng thuốc chứa DEET được cho là an toàn nhưng cũng nên biết rằng thuốc vẫn có thể xảy ra phản ứng dị ứng với biểu hiện phát ban da, mụn rộp, kích ứng da và niêm mạc.

BS. Nguyễn Thu Hà

Bệnh viện K: Lần đầu ứng dụng thành công nội soi 3D

Các bác sĩ khoa Ngoại bụng 1- Bệnh viện K cơ sở Tân Triều đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi 3D - một lỗ Trocart cho nam bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng – đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến mới được ứng dụng vào phẫu thuật vào điều trị ung thư.

Đau bụng kéo dài, đi khám phát hiện ung thư

Có hiện tượng đau bụng kéo dài, chán ăn, khó tiêu nhưng do chủ quan nên đến khi thấy những dấu hiệu lạ đi ngoài ra máu, đi lại khó khăn, sút cân, thể trạng ngày càng yếu thì ông Đỗ Xuân Kh. (64 tuổi) trú tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam mới đi khám.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K trong tình trạng đau bụng hạ vị, người gầy, cân nặng 45kg, thể trạng già yếu, da xanh, niêm mạc nhợt. Các bác sĩ tiến hành hồi sức tích cực cho bệnh nhân bằng mọi biện pháp như truyền máu, truyền đạm, kháng sinh nâng đỡ cơ thể. Sau khi phục hồi, bệnh nhân Kh. đã được thăm khám, chụp chiếu và làm các chỉ định, xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng thấp gây ra thiếu máu, suy nhược cơ thể.

Hình ảnh phim chụp khối u đại trực tràng của nam bệnh nhân

Ngay khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định điều trị hoá xạ trị tiền phẫu. Sau khi kết thúc chu trình xạ trị tại u và hạch tại Khoa Xạ 5, bệnh nhân được chuyển về khoa Ngoại Bụng 1 để hội chẩn phẫu thuật. Các bác sĩ đánh giá tổn thương đáp ứng tốt với xạ trị, kích thước khối u đã co nhỏ lại, phù hợp cho phẫu thuật nội soi 3D 1 lỗ Trocart.

Chỉ cần mở 1 lỗ duy nhất 2 cm trên bụng bệnh nhân và sự khéo léo của phẫu thuật viên: Ung thư đại trực tràng của bệnh nhân được "hóa giải"

Ngày 17/5 kíp phẫu thuật gồm TS.BS Phạm Văn Bình- Trưởng Khoa Ngoại bụng 1, ThS.BS Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1 và BS Nguyễn Tiến Bình cùng kíp gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Kh. bằng phương pháp phẫu thuật nội soi 3D -1 lỗ cắt cục trực tràng (phẫu thuật Miles).

Ekip phẫu thuật cho bệnh nhân

Các phẫu thuật viên chỉ mở 1 lỗ duy nhất dài khoảng 2cm trên bụng bệnh nhân. Các dụng cụ nội soi được đưa vào trong bụng bệnh nhân chỉ qua 1 lỗ nên gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các ca mổ nội soi khác. Các dụng cụ nội soi gần như được điều khiển theo hướng song song với nhau nên việc phẫu tích, bóc tách mạch máu, kẹp cầm máu… rất khó cần phải thực hiện tỉ mỉ.

Bằng kinh nghiệm lâu năm, TS.BS Phạm Văn Bình đã thực hiện phẫu tích trên bằng dao siêu âm hết sức cẩn trọng, khéo léo tách và cắt mạch máu của trực tràng. Ekip phẫu thuật tiến hành cắt toàn bộ mạch treo trực tràng cho tới sát vùng đáy chậu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt.

Chỉ với 1 lỗ duy nhất 2 cm trên bụng bệnh nhân và sự khéo léo của phẫu thuật viên: Ung thư đại trực tràng của bệnh nhân được "hóa giải"

Ưu điểm và thách thức khi thực hiện phẫu thuật nội soi 3D – 1 lỗ Trocart

TS.BS Phạm Văn Bình- Trưởng khoa Ngoại bụng 1- Bệnh viện K chia sẻ, hiện nay phương pháp phẫu thuật nội soi đã đạt tới đỉnh cao. Từ phương pháp phẫu thuật nội soi truyền thống, nay đã phát triển thành 3 nhánh chính. Thứ nhất, là phẫu thuật nội soi trocart một lỗ - tức là bệnh nhân được phẫu thuật nội soi nhưng chỉ qua 1 lỗ trocart duy nhất. Tiếp đến là thực hiện phẫu thuật qua các lỗ tự nhiên của cơ thể. Thứ 3 là phẫu thuật nội soi Robot Davinci – đây là phương pháp phẫu thuật mà Bệnh viện K sẽ thực hiện trong thời gian tới.

"Phương pháp phẫu thuật nội soi 3D – Trocart 1 lỗ giúp cho bề mặt bụng bệnh nhân sau mổ chỉ có 1 vết sẹo rất nhỏ ở vùng rốn, tính thẩm mỹ cao, có thể nói là không để lại sẹo, không đau, phẫu thuật thực hiện tinh tế, tỉ mỉ nên bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện, giảm đau sau mổ tốt mà vẫn đảm bảo về ung thư học”- TS Phạm Văn Bình cho biết

Sau phẫu thuật chỉ để lại một sẹo nhỏ trên bụng bệnh nhân

Cũng theo TS Phạm Văn Bình, bên cạnh những ưu điểm đó thì phẫu thuật nội soi 3D – 1 lỗ trocart cũng đặt ra nhiều thách thức cho phẫu thuật viên về yêu cầu bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt, phải sử dụng những dụng cụ phẫu thuật nội soi đặc biệt đi qua các kênh nhỏ của lỗ trocart đó đảm bảo thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, chính xác.

Phương pháp phẫu thuật nội soi trocart 1 lỗ trong điều trị ung thư nói chung, ung thư đại trực tràng nói riêng trên nền phẫu thuật nội soi 3D đã được ứng dụng thành công tại bệnh viện K chứng tỏ được trình độ phát triển về mặt kỹ thuật, chỉ định, kỹ năng phẫu tích của phẫu thuật nội soi ung thư tại bệnh viện K.

Sau phẫu thuật bệnh nhân được phục hồi nhanh chóng

Hi vọng kỹ thuật mới này sẽ được áp dụng nhân rộng hơn để nhiều bệnh nhân ung thư được thừa hưởng những ưu điểm vượt trội mà phẫu thuật nội soi trocart 1 lỗ mang lại mà vẫn đảm bảo về ung thư học.

Thái Bình

Ngộ độc thực phẩm do Salmonella: Coi chừng biến chứng nguy hiểm

Vì vậy, mùa nắng nóng đã đến cần hết sức cảnh giác với loại ngộ độc thực phẩm này bởi có thể làm cho nhiều người bị mắc bệnh và bệnh rất trầm trọng, nếu xử trí không kịp thời có thể gây tử vong.

Đặc điểm của vi khuẩn thương hàn

Vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho những người chưa có miễn dịch hoặc miễn dịch. Sau khi vi khuẩn thương hàn vào trong cơ thể, một số vi khuẩn bị chết sẽ giải phóng ra nội độc tố. Nội độc tố rất độc hại làm tổn thương ruột (kích thích ruột gây đau bụng, làm chảy máu, hoặc có thể gây thủng ruột), đồng thời nội độc tố đi vào máu đến hệ thần kinh trung ương làm tổn thương thần kinh và nhiễm độc toàn thân. Bên cạnh đó, vi khuẩn thương hàn có thể đi vào máu gây nhiễm khuẩn huyết rất nặng.

Bệnh lây từ người này sang người khác theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn chưa được đun nấu chín.

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.LY

Bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: T.LY

Biểu hiện khi ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn thương hàn

Khoảng 12 - 72 giờ sau ăn, uống phải vi khuẩn thương hàn, người bệnh sẽ xuất hiện đột ngột sốt cao liên tục (39 hoặc 40oC), mệt mỏi, kèm theo đau bụng quằn quại hoặc âm ỉ, sôi bụng và trướng bụng là triệu chứng thường thấy. Đau bụng thường xuất hiện ở hố chậu phải, đi ngoài phân lỏng sền sệt, màu vàng nâu, rất khắm, khoảng 5-6 lần/ngày (hoặc một số người lớn có thể bị táo bón), các trường hợp này cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và cấp cứu kịp thời.

Một số trường hợp sang tuần thứ hai có biểu hiện của nhiễm độc thần kinh (nhức đầu, mất ngủ, ác mộng, ù tai, nói ngọng), nặng hơn, bệnh nhân tay run bắt chuồn chuồn hoặc nằm bất động, vẻ mặt thờ ơ, đờ dẫn, li bì, mê sảng, hôn mê. Một số trường hợp xuất hiện phát ban nhỏ, bằng phẳng ở ngực, bụng, mạn sườn. Ban xuất hiện khoảng từ 7 - 12 ngày rồi biến mất.

Những trường hợp vi khuẩn thương hàn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết với bệnh cảnh lâm sàng rất nặng nếu không nhập viện sớm, không xử trí kịp thời, tính mạng người bệnh rất dễ bị đe dọa.

Để chẩn đoán bệnh thương hàn, ngoài các dấu hiệu lâm sàng, cần xét nghiệm phân để tìm vi khuẩn (cấy phân vào tuần đầu và tuần thứ hai), cấy máu (tuần thứ hai).

Biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thương hàn là chảy máu đường ruột, hoặc thủng ruột hoặc nhiễm khuẩn huyết. Chảy máu đường ruột hoặc thủng ruột hoặc cả hai phải phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời nếu không có thể bị tử vong. Các biến chứng do mắc bệnh thương hàn thường xảy ra vào tuần thứ ba của bệnh, mặc dù tỷ lệ biến chứng nguy kịch không nhiều (khoảng 5%). Tuy vậy, nếu chảy máu với số lượng nhiều sẽ làm tụt huyết áp gây sốc, có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời.

Khi bị thủng ruột sẽ gây viêm phúc mạc cấp tính, nếu không phát hiện sớm và phẫu thuật kịp thời có thể bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa hoặc hậu quả để lại có thể rất xấu (gây dính ruột về sau).

Ngoài ra, còn có thể bị viêm cơ tim, viêm phổi, viêm tụy tạng và gây nhiễm khuẩn một số cơ quan khác (bàng quang, thận, màng não, tủy sống, viêm khớp, viêm xương...)

Bệnh thương hàn lây theo đường ăn uống qua thức ăn, nước uống, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn thương hàn. Vì vậy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết. Cần ăn chín, uống chín (không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín, không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi). Cần quản lý chất thải, phân người bệnh thật tốt, không để vương vãi và nên cho chất sát khuẩn mạnh (vôi bột, cloraminB), nhất là các vùng nông thôn, miền núi.Trung tâm y tế dự phòng cần tổ chức kiểm tra thật gắt gao vệ sinh an toàn thực phẩm (lưu ý khâu giết mổ, bán, chế biến thực phẩm) và định kỳ kiểm tra sức khỏe đội ngũ buôn bán, chế biến thực phẩm để tìm người lành mang vi khuẩn thương hàn và điều trị dứt điểm cho họ, tránh để Vi khuẩn Salmonella đào thải ra môi trường gây thành dịch.Ngoài ra, cần tuyên truyền và tạo điều kiện tốt cho người dân sử dụng vắc-xin phòng bệnh để có miễn dịch lâu dài.

PGS. TS. Bùi Khắc Hậu

Khi nào bướu cổ cần điều trị?

Bướu cổ là gì?

Bướu cổ là danh từ chung để chỉ bướu xuất phát từ tuyến giáp, trong y học gọi là bướu giáp, bao gồm nhiều loại như phình giáp lan tỏa hay có hạt, viêm giáp, cường giáp, suy giáp, bướu lành, ung thư. Tất cả được xếp làm 3 nhóm: bướu lành, ung thư và rối loạn chức năng tuyến giáp, mỗi nhóm lại có nhiều loại.

Tuyến giáp hình như con bướm nằm ở phần dưới trước cổ, dưới lớp da và cơ, tựa trên khí quản (đường thở). Tuyến giáp bình thường hoặc khi to nhẹ,chúng ta nhìn hoặc sờ không thấy. Ngoài ra, phía sau tuyến giáp còn có thực quản dẫn thức ăn từ miệng xuống bao tử, đặc biệt còn có dây thần kinh hồi thanh điều khiển thanh quản khi phát âm và các tuyến phó giáp, là hai cấu trúc hết sức quan trọng cần phải tìm và bảo tồn trong lúc mổ.

Khi nào bướu cổ cần điều trị?Khi bị bệnh sẽ gây ra những bất thường ở cổ

Ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

Bệnh bướu cổ rất phổ biến, có thể đến 70% dân số mắc phải, nhưng hầu hết bướu cổ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe do bướu cổ thường là loại phình giáp không có rối loạn chức năng tuyến giáp, còn gọi phình giáp đơn thuần.

Ngay cả khi bướu giáp rất to cũng ít khi gây nuốt vướng hoặc khó nuốt (do chèn vào đường ăn), khó thở (do chèn vào đường thở) vì bướu thường lớn ra phía trước và hai bên.

Bệnh bướu cổ rất phổ biến, có thể đến 70% dân số mắc phải

Một số ít trường hợp bướu to gây chèn ép, hoặc ung thư xâm lấn xung quanh hay di căn, hoặc có rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hoặc cường giáp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bướu chèn ép hoặc xâm lấn gây khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, đau nhức. Khi bướu gây rối loạn chức năng dẫn đến tăng cân hoặc sụt cân, mệt mỏi, hồi hộp ở ngực, rung tay, đổ mồ hôi...Tuy nhiên, nhiều bệnh khác cũng gây ra các bất thường này, khi thăm khám bác sĩ sẽ xác định bệnh. Cũng nên chú ý, đôi khi có bướu cổ và các cảm giác khó chịu vùng cổ nhưng không phải do bướu gây ra, do bệnh khác, nghĩa là có hai bệnh một lúc.

Làm sao biết được mình bị bướu cổ?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết nên khi bị bệnh sẽ gây ra những bất thường ở cổ hoặc bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Khi thấy cổ to ra hoặc có các dấu hiệu kể trên hoặc có bất cứ thay đổi nào trong cơ thể nên đến cơ sở y tế thăm khám, bác sĩ có nhiệm vụ xác định bệnh bướu cổ hay bệnh cơ quan khác.

Các phương pháp điều trị?

Nói chung, điều trị bướu cổ bao gồm các phương pháp: uống thuốc, thuốc xạ trị, mổ hoặc chỉ theo dõi mà không điều trị gì.

Uống thuốc: tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các loại khác nhau, như thuốc nội tiết tố tuyến giáp, thuốc iốt, kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, ức chế thụ thể Beta...

Thuốc xạ trị là dạng iốt phóng xạ, thuốc này có tác dụng phá hủy tế bào tuyến giáp.

Mổ là cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp, tùy loại bướu cổ mà lựa chọn một trong các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp. Nên nhớ chỉ cắt bướu, còn gọi là bóc nhân giáp, ngày nay không còn sử dụng nữa do không đảm bảo lấy hết gốc rễ và an toàn phẫu thuật, hoặc khi cần mổ lại vì kết quả ác tính sau lần mổ trước sẽ khó khăn và dễ gây biến chứng khàn tiếng hoặc tê tay chân.

Ngoài ra, trong một số trường có thể chọc hút bằng kim để rút nướccho trường hợp bướu chứa nước (trong chuyên môn gọi là nang giáp).

Theo dõi: khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường được chọn theo dõi, không cần bất cứ điều trị gì và theo thời gian hầu hết không gây biến chứng. Phương pháp theo dõi là tái khám định kỳ, mỗi 1 - 2 năm đi khám một lần nếu bản thân không thấy bất cứ thay đổi nào trên cơ thể.

Khi nào bướu cổ cần điều trị?Sau khi cắt bướu

Khi nào bướu cổ cần điều trị?

Do rất phổ biến nên bướu cổ thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi điều trị để ngăn ngừa biến chứng về sau cũng không hiệu quả, nên không phải lúc nào cần điều trị.

Các trường hợp phải điều trị:

- Suy giáp TSH > 10 mIU/ml (Viêm giáp mạn, bán cấp, thay thế).

- Cường giáp/nhiễm độc giáp lâm sàng (bệnh cường giáp, viêm giáp bán cấp/mạn, phình giáp hạt, u tuyến ).

- Ung thư, nghi nhờ ung thư ≥ 1 cm.

- Ung thư < 1cm có di căn.

- Bướu lành có dấu hiệu chèn ép.

Ngay cả khi bướu giáp rất to cũng ít khi gây nuốt vướng hoặc khó nuốt, khó thở vì bướu thường lớn ra phía trước và hai bên

Các trường hợp cân nhắc điều trị:

- Cường giáp/nhiễm độc giáp dưới lâm sàng.

-Ung thư, nghi ngờ ung thư nhỏ <1cm.

- Bướu lành to không dấu hiệu chèn ép.

Các trường hợp không cần điều trị:

- Suy giáp nhẹ TSH < 10 mIU/mL.

- Bướu lành nhỏ.

Khi nào mổ?

Điều đầu tiên cần nhớ là không phải tất cả các loại bệnh bướu cổ đều phải mổ.

Chỉ mổ trong các trường hợp:

- Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt, hoặc gây mất thẩm mỹ.

- Ung thư hoặc nghi ngờ ung thư.

- Rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp: mổ là một lựa chọn với 2 phương pháp uống thuốc hoặc iốt phóng xạ.

Không mổ trong các trường hợp:

- Bướu lành nhỏ.

- Bướu lành to nhưng không chèn ép khó thở khó nuốt, không khó chịu vùng cổ.

- Bướu lành không gây mất thẩm mỹ, tính thẩm mỹ do bệnh nhân quyết định.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU HÒA

Những bệnh lý sớm được phát hiện bằng mùi cơ thể

Tuy nhiên, hiện nay, với nhiều nghiên cứu đang được tiến hành, các nhà khoa học đã chẩn đoán được một số bệnh lý bằng mùi cơ thể.

Vì sao cơ thể có “mùi” khi bị bệnh?

Theo TS. Alan Hirsch - chuyên gia thần kinh học tại Chicago, Mỹ thì mùi cơ thể có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nghiêm trọng. Bên cạnh đó, TS. Yehuda Zeiri - chuyên khoa y sinh tại Trường Đại học Ben-Gurion ở Israel cho biết, khi mắc bệnh, các cơ quan trong cơ thể thay đổi cơ chế hoạt động như tăng cường các quá trình sinh hóa mới và khác nhau dẫn đến việc hình thành các phân tử dễ bay hơi nhỏ. Những phân tử này có thể được vận chuyển từ máu đến phổi và được giải phóng trong kỳ thở ra, gây ra “mùi” khác lạ. Chúng cũng có thể được giải phóng trong nước tiểu và mồ hôi nhưng không phải lúc nào người bệnh cũng có thể nhận biết.

Xét nghiệm hơi thở phát hiện bệnh với thiết bị NaNose.

Xét nghiệm hơi thở phát hiện bệnh với thiết bị NaNose.

Những bệnh lý nào đã và sớm được chẩn đoán bằng “mùi”?

Ung thư phổi: Các nhà khoa học Israel đã chế tạo thành công một thiết bị mới có tên gọi là NaNose có thể chẩn đoán ung thư phổi chính xác đến 90% khi phát hiện một “mùi” đặc biệt từ các tế bào ung thư. Ngoài ra, thiết bị này còn có thể xác định bệnh Parkinson, các bệnh ung thư khác, suy thận, đa xơ cứng, bệnh Crohn với độ chính xác 86%. Thiết bị này hoạt động theo cơ chế để hơi thở đi qua các hạt nano vàng bên trong, các chất hóa học trong hơi thở sẽ tương tác với các hạt nano và tạo ra phản ứng, mỗi hóa chất trong hơi thở sẽ gây ra những thay đổi khác biệt rất tinh tế cho các hạt nano vàng này.

Suy thận: Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois ở Mỹ đã phát triển thiết bị xét nghiệm hơi thở có thể phát hiện sớm dấu hiệu suy thận, giúp người bệnh đến khám sớm, tạo điều kiện cho việc chữa trị hiệu quả hơn. Thiết bị xét nghiệm hơi thở này hoạt động dựa trên lý thuyết mỗi bệnh nhân có dấu vết hơi thở riêng, giống như sự khác biệt về vân tay của mỗi người và phân tích các hợp chất cực nhỏ gọi là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Theo đó, khi người bệnh thở qua dụng cụ này, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi sẽ được thu lại trong một cái túi gắn liền với thiết bị để phân tích. Ở người bệnh bị suy thận, hơi thở thường có mùi amoniac do sự tích tụ các chất thải trong máu khi thận lọc kém dẫn tới tăng urê trong máu sinh ra mùi đặc trưng này.

Đa xơ cứng: Bệnh đa xơ cứng (MS) là bệnh thần kinh mạn tính phổ biến nhất ảnh hưởng đến thanh niên. Chẩn đoán MS dựa trên các đặc điểm lâm sàng và được xác nhận bằng cách kiểm tra dịch não tủy (CSF) hoặc bằng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) của não hoặc tủy sống hoặc cả hai. Tuy nhiên, không phải thủ tục chẩn đoán hiện tại nào cũng thích hợp như một công cụ định kỳ để xác định tình trạng bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học Israel đã dựa vào các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) trong hơi thở để chẩn đoán bệnh. Thí nghiệm được thực hiện với 204 người tham gia, 146 người mắc MS và 58 người khỏe mạnh. Phân tích được thực hiện bằng sắc ký khí ghép khối phổ (GC-MS) và mảng cảm biến dựa trên vật liệu nano cho thấy người mắc MS có hơi thở đặc trưng do có sự phong phú về các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hơn nhóm chứng.

Bệnh về nướu răng: TS. Hirsch giải thích rằng, khi bị nhiễm trùng nướu răng, vi khuẩn tiết ra các chất thải như hydrogen sulfide có mùi giống như trứng thối. Mùi này cho biết người đó có bệnh về nướu, áp-xe hoặc vệ sinh răng miệng kém. Thực tế trên lâm sàng cho thấy, áp-xe răng miệng có thể được giấu trong một khe hở khó tìm thấy nhưng “mùi hương” từ miệng có thể khuyến khích nha sĩ chỉ định chụp Xquang để tìm ra thủ phạm.

Bệnh tiểu đường: Ở những người bệnh tiểu đường, khi cơ thể không thể tạo ra đủ năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ bắt đầu phá vỡ các axit béo để tạo ra năng lượng. Điều này khiến cho các chất hóa học thuộc nhóm axit được gọi là ketone hình thành trong máu. Một trong số đó là acetone (thành phần tương tự như thuốc tẩy sơn móng tay) tạo ra “mùi trái cây” trong hơi thở. Mùi cơ thể này có thể là biến chứng của loại bệnh tiểu đường được gọi là nhiễm ketone axit tiểu đường (DKA).

Bên cạnh các bệnh lý trên, một số bệnh lý khác như bệnh bạch cầu đơn nhân cũng có thể được phát hiện sớm nhờ hơi thở chua, hội chứng mùi cá với sự mô tả như mùi cá thối, nước tiểu, rác cũ hoặc trứng thối, bệnh tâm thần với hơi thở hôi, suy gan với hơi thở mùi cá sống… sẽ giúp người bệnh nhận biết dấu hiệu đầu tiên của bệnh để đi khám và được điều trị từ sớm - yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả trong quá trình chữa bệnh.

Lê Mỹ Giang

((Theo rd.com, 5/2018))

Những lưu ý về chế độ ăn đối với người bị hội chứng buồng trứng đa nang

Một số triệu chứng phổ biến của PCOS bao gồm bất thường hoặc không có kinh nguyệt, đau bụng, mụn trứng cá, mọc lông trên mặt, rụng tóc, trầm cảm, tăng cân, vô sinh, vv…

PCOS được cho là rối loạn liên quan tới lối sống, do đó thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên có thể giúp cân bằng các hormon và điều trị PCOS.

Dưới đây là những lưu ý liên quan tới chế độ ăn mà người bị PCOS nên tuân theo

Không bỏ bữa sáng

Tránh bỏ bữa ăn sáng, vì thói quen này chỉ có thể làm rối loạn mất cân bằng hormon và xa hơn là làm tồi tệ thêm các triệu chứng PCOS.

Ăn các thức ăn giàu axit béo omega-3

Bổ sung thêm thực phẩm giàu hàm lượng axit béo omega-3 vào chế độ ăn kiêng của bạn như bơ, cá, dầu dừa ... vì axit béo omega-3 có thể giúp điều trị PCOS một cách tự nhiên.

Tránh các carbohydrate không lành mạnh

Một nghiên cứu cho thấy rằng carbohydrate không lành mạnh như gạo trắng, bánh mì trắng, mì ống, vv, có thể gây thay đổi hormon làm cho tình trạng PCOS trở nên trầm trọng thêm.

Ăn các thực phẩm giàu chất đạm

Tiêu thụ các thực phẩm giàu chất đạm như thịt nạc, sữa, trứng ... có thể giúp điều trị một số bệnh trạng liên quan đến PCOS như tăng cân, rậm lông ở mặt, vv

Bổ sung vitamin D

Thiếu Vitamin D có liên quan đến PCOS, vì vậy việc bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn uống của bạn như cá ngừ, lòng đỏ trứng, thịt bò ... cũng có thể giúp giảm bớt triệu chứng.

Bổ sung thực phẩm giàu kali

Những thực phẩm giàu kali, như yến mạch và chuối, cũng có thể giúp điều trị một số triệu chứng PCOS như trầm cảm một cách tự nhiên.

Ăn trái cây và rau tươi

Việc bổ sung nhiều trái cây và rau tươi vào chế độ ăn của bạn cũng có thể giúp điều trị PCOS, vì chúng có chứa một lượng chất chống oxy hoá cao giúp bảo vệ hiệu quả cơ thể khỏi những ảnh hưởng xấu của chất độc vốn có thể là nguyên nhân gây ra những nang buồng trứng này.

BS Thu Vân

(Theo Boldsky)

Các vấn đề tim, phổi và lựa chọn ICU

“Chúng tôi thấy rằng ICU không phải lúc nào cũng là lựa chọn. Hiện tại, chúng ta cần giúp các bác sĩ quyết định xem những bệnh nhân nào cần ...